Nhắc đến Sài Gòn TP.HCM, nhiều người không chỉ biết đến các tòa cao ốc chọc trời, những hoạt động giải trí hoành tráng hay các cơ hội phát triển tại thành phố năng động, giàu có nhất cả nước mà còn biết đến những sự quan tâm, sẻ chia đầy tình người dành cho người kém may mắn hơn.
Nơi thành phố hoa lệ này, không khó để bắt gặp những thùng trà đá miễn phí, những thùng bánh mì hay những quán cơm hai ngàn đồng của người lao động nghèo… Không những vậy, ở Sài Gòn, bạn còn bắt gặp các lớp học miễn phí dành cho trẻ em nghèo. Trong bài viết này, Kiến mời bạn đến “thăm” một vài lớp học như vậy.
Lớp học tình thương Bà Mười
Phần đông các em trong lớp học được sinh ra ở xóm ghe thuyền nổi trôi dọc theo kênh Trần Xuân Soạn, dưới chân cầu Tân Thuận hoặc từ những khu nhà trọ trong những hẻm ngách quanh co. Ba mẹ mải miết lo toan với những công việc nặng nhọc, vất vả chẳng còn tâm trí để chăm lo tương lai học hành của con cái. Cũng có người muốn cho con đi học nhưng lại không đủ tiền, không có giấy khai sinh, hộ khẩu… Vậy là các em phải lăn lộn kiếm sống phụ giúp gia đình ngay từ khi mới tám, chín tuổi.
“Hồi 99 kinh tế còn khó khăn, nhiều mấy em không nhà, mồ côi, gia đình khó khăn, mấy em ở dọc theo bờ sông, sống lang thang đi ăn xin, đi lượm ve chai, đa số là như vậy. Nhìn mấy em thấy thương quá mà không biết cuộc đời nó sẽ ra sao, nếu không học hành thì sẽ tiếp tục như vậy hoài. Mình có hỏi mấy em có chịu đi học không thì nó nói rằng con thích đi học lắm nhưng không được tại không có hộ khẩu, không có khai sanh, không có tiền. Mình mới nói thôi thì mấy con vô bà dạy.
Hồi đó chỉ nghĩ dạy cho nó biết chữ và đừng có đi lang thang ở ngoài, đừng có đi quậy phá, tánh tình nó tốt hơn chút. Vậy đó, vì thương mấy em đó thôi.” – cụ bà Lữ Thị Lệ Nương (bà Mười), người đã khai sinh lớp học, nay đã hơn 80 tuổi, hồi tưởng chia sẻ.
Gần hai mươi năm qua, lớp học đã giúp hàng trăm em biết đọc, biết viết. Nhờ đó, nhiều em có thể tiếp tục học lên cao như các bạn đồng trang lứa khác. Vài ba năm trở lại đây, lớp học được tổ chức quy củ hơn nhờ sự quán xuyến của bạn Mỹ Phượng. Từ 2010, lớp học được “định cư” tại Trung tâm học tập cộng đồng P. Tân Thuận Tây, Q7 nhưng từ cuối tháng 5 vừa qua lớp học buộc phải di dời để xây trụ sở mới. Vậy là nỗi lo lớn nhất của lớp lúc này là tìm đâu ra địa điểm mới để duy trì lớp học?
Nếu muốn giúp đỡ cho lớp, xin bạn liên lạc theo thông tin bên dưới.
Fanpage: http://ift.tt/2uBwB6A
Email: lophoctinhthuongbamuoi@gmail.com
Điện thoại: 01225605065 (gặp Mỹ Phượng, trưởng nhóm Tình Nguyện Viên lớp học)
Anh công nhân “bao đồng” mở lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo
Nơi quận 9 Sài thành có một lớp học miễn phí của thầy giáo có nickname Bio. Vốn chỉ được học đến lớp 12 và hiện đang làm việc tại một công ty sản xuất dược phẩm, anh công nhân Hoàng Trọng Khánh đã mở lớp chừng 7 năm nay. Sau giờ làm anh dạy đều đặn 6 buổi/tuần để kèm những môn tiếng Anh, toán, lý, hóa cho các em học cấp 2 ở xóm trọ nghèo.
Khi được hỏi tại sao quyết định làm như thế trong khi đồng lương công nhân không nhiều, rồi phải bỏ biết bao công sức, anh Khánh bộc bạch: “Khi mở lớp dạy học này, bản thân cũng không nghĩ gì, vì thấy các các em điều kiện học hành thiếu thốn không được như các bạn đồng trang lứa khác, bố mẹ các em đều là dân lao động nghèo. Các em rất hiếu học, thông minh nhưng không có phương pháp học đúng đắn, cho nên, tôi mới quyết tâm mở lớp để giúp các em tiến bộ lên.”
Việc làm của thầy Khánh mở lớp dạy kèm chính là để giúp cho các em có kết quả học tập tốt hơn, khơi gợi niềm đam mê học tập và phát huy sở trường của mình nhưng quan trọng là mong muốn không có em nào phải bỏ học giữa chừng. Điều đáng mừng là sau một thời gian học, kết quả học tập của các em ở trường đã tiến bộ rõ rệt, nhiều em từ yếu kém đã trở thành khá giỏi, có 3 em là học sinh giỏi được chọn vào học lớp chuyên ở bậc THPT.
Lớp học trong con hẻm quận 8 của 200 em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ
Trong một con hẻm nhỏ ở quận 8, hơn 200 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đang được nuôi dưỡng ước mơ được đi học tại Trung tâm phát huy Bình An. Được thành lập từ một dự án của tổ chức Bạn trẻ em đường phố, trung tâm nay có 6 lớp với giáo viên đứng lớp đa phần là các cô giáo về hưu nhưng vẫn tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ.
Để giữ chân các em đến lớp, Trung tâm hỗ trợ từ sách vở, cặp sách, quần áo đến mua bàn ghế, xe đạp để tạo động lực cho các em đến lớp. Chính nhờ sự ân cần, chu đáo của các cô tại trung tâm mà tụi nhỏ từ những đứa bé ương bướng, đi lang thang ngoài đường để kiếm sống đã trở nên ngoan ngoãn, lễ phép và đặc biệt là khát khao được đến trường, đi học từng con chữ.
Điều sơ Đặng Thị Thu Hạnh, quản lý trung tâm, trăn trở là hiện nay hơn 30 học sinh của trung tâm chưa có giấy khai sinh, dù trung tâm đang cố gắng tìm cách hỗ trợ…. Không có giấy khai sinh thì dù có học xong chương trình tiểu học ở trung tâm các em cũng không có cơ hội được vào một trường THCS. Đây không chỉ là lo lắng của riêng trung tâm Bình An mà còn là của nhiều lớp học tình thương khác.
“Trung tâm chỉ giúp được các em 5 năm tiểu học. Mà các em thì cần phải học lên nữa, để có cơ hội được học tập, trở thành một người có ích cho xã hội, và quan trọng hơn hết là có cơ hội để thay đổi cuộc sống quá vất vả hiện thời….”.
Trung tâm phát huy Bình An
Địa chỉ: Số 3153/24, đường Phạm Thế Hiển, Quận 8, TPHCM.
Tạm kết
Kiến biết rằng không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả nước vẫn có nhiều lớp tình thương khác. Thay vì nghỉ ngơi, nhiều người đã hy sinh thời gian , tiền bạc, công sức để duy trì các lớp học. Nhờ những yêu thương, hy sinh thầm lặng của quý thầy cô, anh chị em tình nguyện viên ưa “bao đồng” mà các em được cảm hóa, khiến các em ngày càng trở nên tốt hơn.
Đâu đó có những tiếng thở dài vì xã hội “suy đồi, xuống cấp” với những tệ nạn, bạo lực… thì cũng có những nơi khác, những ngọn lửa hy vọng được thắp sáng. Cuộc sống vẫn đẹp, cuộc đời vẫn ý nghĩa.
The post Tình người ấm áp nơi những lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo Sài Gòn appeared first on Cộng đồng Chanh Tươi.
from Cộng đồng Chanh Tươi http://ift.tt/2uBTYNv
Nguồn: https://chanhtuoi.com Xem thêm:http://ift.tt/2cgM3um
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét